Tại An Giang, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp: Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp đầu mối; nguồn hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trà trộn vào hàng chất lượng cao… Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ...
Ông Hồng Phong - Chủ tịch kiêm giám đốc Petrolimex An Giang
Thị trường diễn biến phức tạp
An Giang là tỉnh trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô dân số lẫn quy mô kinh tế. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu rất lớn. Trung bình mỗi năm, mặt hàng này tiêu thụ khoảng 340 triệu lít.
Hiện nay, tham gia thị trường xăng dầu An Giang có 7 doanh nghiệp đầu mối, 12 doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu (7 doanh nghiệp trong tỉnh, 5 doanh nghiệp ngoài tỉnh) và các đại lý. Hệ thống bán lẻ trực tiếp trên thị trường chủ yếu là thương nhân nhận quyền thương mại với 489 cửa hàng xăng dầu, trong đó 111 cửa hàng trực thuộc doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý và thương nhân phân phối; 378 cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân.
Với số lượng cửa hàng lớn, nhiều doanh nghiệp tham gia, thị trường xăng dầu An Giang cạnh tranh hết sức gay gắt, thậm chí, đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tượng nguồn hàng của đầu mối này thông qua thương nhân phân phối/tổng đại lý đưa vào hệ thống của đầu mối khác xảy ra thường xuyên, điều này vừa làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vừa làm xáo trộn hệ thống kênh phân phối và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Một số đầu mối, doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia thị trường nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế tại An Giang (thuế bảo vệ môi trường là khoản nộp lớn). Đặc biệt, trong giai đoạn giá xăng dầu có biến động lớn, nhiều doanh nghiệp đầu mối giảm nguồn cung ra thị trường, tạo áp lực về nguồn hàng đối với Petrolimex An Giang.
"Đây là những bất cập, cần có giải pháp đồng bộ trong quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu để chấn chỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; đảm bảo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của các đầu mối tham gia kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian tới” ông Hồng Phong - Chủ tịch kiêm giám đốc Petrolimex An Giang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, xăng dầu không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường An Giang cũng rất phức tạp, khó kiểm soát. Một số cửa hàng xăng dầu do hám lời đã nhập hàng trôi nổi về bán dẫn đến chất lượng không đảm bảo, gây ảnh hưởng không nhỏ tới phương tiện sử dụng.
Theo ông Hồng Phong, một số đầu mối kinh doanh xăng dầu chi trả thù lao rất cao đến mức bất hợp lý cho đại lý (vượt cả trần chi phí định mức do liên Bộ Tài chính – Công Thương quy định), để cạnh tranh không bình đẳng, giành giật khách hàng. Thậm chí, đã xuất hiện dấu hiệu gian lận thương mại qua hóa đơn chứng từ. Theo đó, xăng dầu vận chuyển trên đường thì có hóa đơn, nhưng khi đến cửa hàng, hóa đơn được quay vòng trở lại, hợp thức hóa cho lô hàng khác nhằm trốn thuế.
Nâng cao khả năng cạnh tranh
Cửa hàng xăng dầu Petrolimex An Giang luôn nhận được sự tín nhiệm của khách hàng
Trước thực tế trên, ông Hồng Phong khẳng định: Để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đồng thời khẳng định uy tín thương hiệu Petrolimex trước các đối tác, khách hàng, Petrolimex An Giang đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên hàng đầu. Với quan điểm đó, công ty không ngừng đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cửa hàng để tăng thị phần, nâng cao khả năng cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực và áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, công nghệ thông tin để quản trị rủi ro, nâng cao năng suất và gia tăng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Nhằm bảo đảm chất lượng xăng dầu cung cấp cho đối tác, khách hàng, Ban lãnh đạo Petrolimex An Giang đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát chất lượng, số lượng hàng hóa trước khi cung ứng cho hệ thống phân phối tiêu thụ ra thị trường (từ khâu tiếp nhận, bảo quản, trung chuyển, cung ứng, tiêu thụ…). Mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu của công ty đều được trang bị hệ thống cột bơm hiện đại bảo đảm đúng số lượng, chất lượng và giảm thiểu hao hụt khi cung cấp trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Kinh doanh mặt hàng ngoài xăng dầu được công ty chú trọng
Ngoài việc bảo đảm ổn định thị trường xăng dầu tại An Giang, Petrolimex An Giang còn chủ động cân đối dự trữ và bảo đảm nguồn hàng liên tục, kịp thời cho hệ thống phân phối, nhất là các cửa hàng xăng dầu Petrolimex, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt trong các thời điểm nguồn hàng khan hiếm, giá cả tăng cao như thời điểm năm 2011… Bên cạnh đó, công ty luôn chủ động trong điều hành, báo cáo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - đây là yếu tố quan trọng, giúp Petrolimex An Giang đảm bảo tuyệt đối an toàn trong sản xuất kinh doanh, đồng thời phát huy được thế mạnh để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nâng cao hiệu quả thương mại trong suốt 40 năm qua.
Năm 2015, tổng sản lượng xăng dầu xuất bán của công ty đạt 86.992 m3/tấn, đạt 106% kế hoạch; doanh thu 1.187 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 187,2 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng xăng dầu xuất bán của công ty là 47.577 m3/tấn, đạt 52% kế hoạch, tăng 7% so cùng kỳ năm 2015; doanh thu 468 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 15,2 tỷ, đạt 68% KH, tăng 54% so cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước 108 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch, tăng 112% so với cùng kỳ năm 2015.
Khẳng định giá trị thương hiệu Petrolimex
Petrolimex An Giang hiện có 43 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và 47 cửa hàng xăng dầu ký hợp đồng nhượng quyền thương mại. Thương hiệu Petrolimex đã có mặt khắp các địa bàn từ thành thị cho đến nông thôn, địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh An Giang.
Công ty đã thực hiện trang bị hệ thống nhận diện thương hiệu đầy đủ cho 100% cửa hàng xăng dầu trực thuộc với giá trị đầu tư gần 2,6 tỷ đồng. Năm 2015 triển khai ốp alumex cho 23 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 1 kho xăng dầu và lắp đặt 5 cột biển báo mặt hàng kinh doanh cao cấp theo tiêu chuẩn với tổng giá trị hơn 1,8 tỷ đồng. Dự kiến, hết năm 2016, công ty triển khai ốp alumex cho tất cả các cửa hàng còn lại, nhằm tạo lập sự khác biệt rõ nét của thương hiệu Petrolimex “để tiến xa hơn”.
“Sau khi các cửa hàng xăng dầu được trang bị đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu, áp dụng đúng quy chuẩn mới, người tiêu dùng đánh giá rất cao và ngày càng tin tưởng, sử dụng sản phẩm của Petrolimex. Năng suất lao động của khối cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngày càng tăng trưởng cao” – ông Hồng Phong phấn khởi.
Tạo lập sự khác biệt về hệ thống nhận diện thương hiệu cũng góp phần thực hiện minh bạch trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP; nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp; bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong thị trường xăng dầu cạnh tranh trên địa bàn An Giang...
Trong suốt chặng đường 40 năm dựng xây và trưởng thành, Petrolimex An Giang luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần khẳng định vị thế thương hiệu Petrolimex tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công ty cũng ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của đơn vị kinh doanh xăng dầu hàng đầu trên địa bàn tỉnh An Giang. |